Thị xã Tân Châu nằm ở thượng nguồn sông Tiền, cách trung tâm tỉnh An Giang hơn 70km. Tuy xa về đường đi, nhưng Tân Châu vẫn được nhiều nơi biết đến là “đệ nhất xứ lụa” của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trần Văn Hồng, 79 tuổi, ngụ phường Long Châu nhớ lại, thời xưa có được bộ quần áo lụa lãnh Mỹ A là quý lắm vì đắt tiền và mặc vào nhìn sang trọng, quý phái. Nhà khó khăn cũng ráng sắm vài bộ để mặc trong những ngày trọng đại như cưới hỏi cho con, diện trong những ngày Tết… Lụa lãnh Mỹ A có đặc điểm khác biệt, đó là vào mùa nóng mặc thì mát, mùa đông mặc lại ấm, chất liệu vải lụa dai bền không hút nước, để càng lâu mầu lụa càng lên bóng đẹp… Thời xưa, được sở hữu bộ quần áo bằng lụa lãnh Mỹ A là niềm ao ước của nhiều người, nhất là phụ nữ các tỉnh, thành phố khác.
Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Tân Châu Nguyễn Anh Phương cho biết, qua các tư liệu nghiên cứu, từ thế kỷ 19, vùng đất Tân Châu gắn liền với cây dâu, con tằm và nghề dệt lụa cũng rất phát triển. Vào khoảng những năm 1920, làng Long Hưng (nay là phường Long Châu) dân cư còn thưa thớt, hầu hết đều sống bằng nghề tơ lụa, hộ thì trồng dâu nuôi tằm, hộ thì ươm tơ dệt lụa, nhuộm; thu nhập chính của người dân là từ tơ lụa. Đến năm 1940, Tân Châu đã trở thành trung tâm tơ lụa lớn nhất Nam Bộ với những lò ươm tơ, dệt lụa và là một điểm đến của “con đường tơ lụa” huyền thoại.
Bà Lê Thị Kiều Hạnh, 65 tuổi, chủ cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc là thế hệ thứ ba gắn bó với nghề lụa Tân Châu cho biết, lúc đó lụa lãnh Mỹ A được tiêu thụ khắp miền nam và xuất khẩu sang Lào, Campuchia… Bà Hạnh giải thích, gọi tên lụa lãnh Mỹ A vì Mỹ là đẹp và A là hàng loại nhất. Theo bà Hạnh, lụa lãnh Mỹ A mắc tiền vì làm ra tấm lụa rất cực. Để làm được lụa phải dùng trái mặc nưa là loài cây thân gỗ mọc nhiều ở vùng Tân Châu. Thợ nhuộm phải giã nát các trái mặc nưa để nghiền thành nước có mầu vàng sánh, sau đó nước ngả sang mầu đen có mùi thơm tự nhiên. Tiếp đó, thợ đem tơ lụa trắng nhúng sâu vào nước mặc nưa cho từng sợi tơ ngấm nước rồi đem phơi nắng, rạng sáng đem lụa ra sông xả. Công đoạn cứ lặp đi lặp lại đó được dân trong nghề gọi là “da” và phải hơn “5 da” tương đương hơn 45 ngày với hàng trăm lần nhuộm, phơi nắng, xả liên tục thì lụa mới ngấm và lên mầu đen huyền óng ánh.
Đó là chưa kể đến các công đoạn vắt lụa, đập lụa đều đòi hỏi bàn tay khéo léo của thợ nhuộm để tạo ra tấm lụa xứng danh đệ nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở Tân Châu, nếu nhìn ai có bàn tay đen xì thì đó là thợ nhuộm lụa lãnh Mỹ A do nước mặc nưa bám vào khó tẩy hết. Thợ nhuộm giỏi biết phán đoán thời tiết mưa hay nắng để vắt nước mặc nưa đủ dùng nhuộm lụa, không để phí phạm vì nước mặc nưa chỉ dùng được trong ngày.
Các thợ nhuộm Tân Châu không ai rõ người thợ tài hoa nào đã dùng nước trái mặc nưa để tạo ra sản vật kiêu sa này và cho đến nay không có nguyên liệu nào thay được. Ngày nay, việc làm lụa dù đã đỡ vất vả hơn trước như nghiền trái mặc nưa bằng máy, quay tơ dệt lụa cũng có máy thay quay tay. Nhưng các công đoạn nhuộm, phơi và xả lụa vẫn cần đến bàn tay thủ công, không máy móc nào thay thế được cho nên lụa lãnh Mỹ A vẫn còn niềm kiêu hãnh riêng có.
Hôm chúng tôi đến cơ sở dệt lụa Hồng Ngọc tình cờ bắt gặp đoàn du khách từ thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan, mua lụa. Nhiều phụ nữ trong đoàn thích thú choàng lên người tấm khăn lụa lãnh Mỹ A, trầm trồ khen mầu sắc quá mướt, lộng lẫy. Nghe khách tấm tắc, bà chủ Kiều Hạnh cười tươi. Theo bà Hạnh, lúc xưa vùng Tân Châu nhà nào cũng trồng cây mặc nưa, nhưng theo thời gian cây bị đốn dần nên nguồn nguyên liệu làm lụa lãnh Mỹ A cạn kiệt. Hiện nay 1kg mặc nưa 15.000 đồng, giá đã tăng nhiều nhưng mua vẫn không có, trong khi đó, 90kg mặc nưa chỉ nhuộm được 21m vải lụa. Ngày xưa ở Tân Châu nhiều người làm lụa lãnh Mỹ A, nhưng bây giờ con số đếm trên đầu ngón tay. Các cơ sở thu hẹp do thiếu nguồn nguyên liệu và giá lụa lãnh Mỹ A đắt quá nên cũng khó tiêu thụ tại thị trường trong nước. Như cơ sở của bà nay làm ra chỉ bán cho nước ngoài là chủ yếu, nhưng hai năm qua do dịch bệnh nên gần như ngưng hoạt động.
Năm 2004, 2005, nhà tạo mẫu thiết kế thời trang Võ Việt Chung đã dựa trên chất liệu lụa lãnh Mỹ A làm nên các bộ thiết kế trang phục trình diễn tại Tuần lễ thời trang quốc tế Malaysia ở Kuala Lumpur và bộ sưu tập “Sự hồi sinh” tại Tuần lễ thời trang châu Âu ở Berlin (Đức). Năm 2014, ông Võ Việt Chung đưa bộ thời trang làm bằng lụa lãnh Mỹ A với tên gọi “Huê khôi xứ Nam Kỳ” trình diễn tại Mỹ. Từ đó, nhiều du khách quốc tế khi đến thị xã Tân Châu đều tới các cơ sở dệt lụa lãnh Mỹ A để tìm hiểu loại lụa nổi tiếng này.
Bà Hạnh cho biết, 1m lụa lãnh Mỹ A giá 1 triệu đồng, 1 cái áo làm bằng lụa lãnh Mỹ A giá 1,5 triệu đồng và 1 chiếc khăn choàng bằng lụa lãnh Mỹ A giá 1 triệu đồng. Hàng đúng chuẩn lụa lãnh Mỹ A thì mầu đen tuyền gồm đen trơn và đen bông; hiện nay nhiều khách hàng ở Hồng Công (Trung Quốc) đang đặt số lượng lớn lụa lãnh Mỹ A nhưng bà chưa dám nhận lời vì thiếu nguồn mặc nưa. Cây mặc nưa chỉ cho trái vào các tháng 5 và 6 âm lịch nên phải chờ. Bà Hạnh lạc quan, lụa lãnh Mỹ A vẫn tiếp tục hấp dẫn du khách vì chỉ riêng vùng Tân Châu mới có thợ kinh nghiệm lưu giữ những công thức riêng làm ra lụa đẹp. “Thợ làm nghề lụa lãnh Mỹ A phải có đam mê để tạo ra những tấm lụa truyền thống đẹp mới không phụ lòng người sử dụng. Mai này tôi già yếu thì con trai là Trần Minh Trung sẽ tiếp tục nghề”.
Ông Nguyễn Anh Phương cho biết, Làng nghề tơ lụa Tân Châu được thành lập theo Quyết định số 2548/QĐ-UBND, ngày 20/12/2006 của UBND tỉnh An Giang với tổng số 938 hộ, trong đó 243 hộ có người tham gia làm nghề. Sản phẩm chính của làng nghề là tơ se, nylon, gấm và lụa lãnh Mỹ A; thị trường tiêu thụ ở trong nước và xuất sang Campuchia, Lào, Thái Lan, các nước EU… Về lao động trước đây có 392 người nhưng nay còn khoảng 190 người. Các cơ sở có hoạt động phục vụ khách du lịch nước ngoài như cơ sở dệt lụa Hồng Ngọc, Tám Lăng… Ước sản lượng năm 2020: lụa đen 3.500m, lụa mầu 2.000m… Ông tự hào, nghề lụa truyền thống Tân Châu là một vốn quý văn hóa cần được bảo tồn và phát huy.
Theo: nhandan.vn