Nghề dệt thổ cẩm ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang luôn có sức hấp dẫn không chỉ đối với cộng đồng các dân tộc sinh sống nơi đây, mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều dân tộc anh em khác ở vùng cao phía Bắc. Đây cũng là nền tảng văn hoá có ý nghĩa tích cực để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá, tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho đồng bào nơi đây.
Lâm Bình – vùng đất có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo lên sự đa dạng văn hoá với nhiều giá trị tốt đẹp. Đồng bào các dân tộc nơi đây cần cù lao động sản xuất và gìn giữ, phát triển vốn văn hoá truyền thống, từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, tín ngưỡng, tri thức dân gian, nghề truyền thống (nghề dệt thổ cẩm, nghề thêu, nghề rèn, mây giang đan, nghề làm bún cổ truyền,…), các làn điệu dân ca, dân vũ (hát Then, hát quan làng, hát Páo dung, hát cọi, múa khèn,…), trò chơi dân gian, kiến trúc nhà ở như: Nhà sàn của người Tày, nhà đất của người Dao, Pà Thẻn, nhà trình tường của người Mông…
Đến vùng đất này, bên cạnh việc thưởng lãm sự đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em, khách thăm còn có dịp tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống, một nét đặc sắc trong nghệ thuật chế tác những bộ trang phục truyền thống, góp phần tạo lên chỉnh thể cho vẻ đẹp văn hoá mỗi dân tộc nơi đây.
Nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc anh em sinh sống tại huyện Lâm Bình từ xa xưa. |
Từ nghề “canh cửi” truyền thống, một số dân tộc ở Lâm Bình nâng tầm trở thành nghệ thuật chế tác, định hình một thước đo đánh giá sự khéo léo tài năng của người phụ nữ. Trước khi đi lấy chồng các cô gái phải biết thêu dệt, làm ra những tấm thổ cẩm để làm quà cưới biếu cha mẹ, người thân bên nhà chồng. |
Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn ở Lâm Bình luôn tự hào về bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Bằng sự tài hoa, với đôi bàn tay khéo léo, các bà, các chị người Pà Thẻn dệt lên những bộ váy áo cầu kỳ độc đáo, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình. |
Sự kỳ công chế tác, thể hiện tính thẩm mỹ cao trong ý tưởng, kỹ thuật tạo hình phối mầu nghệ thuật gắn kết với đời sống, văn hóa trên mỗi bộ trang phục người Pà Thẻn. Những tấm thổ cẩm cũng là thước đo để đánh giá tài năng, sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ dân tộc Pà Thẻn. |
Dệt thổ cẩm bằng phương pháp thủ công của đồng bào dân tộc Tày. |
Sản phẩm thêu tay của người Dao Đỏ có giá trị thẩm mỹ cao. |
Đồng bào H’Mông thêu thổ cẩm. |
Sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc dệt ra để làm váy, áo, chăn gối và trong sinh hoạt gia đình. |
Những năm gần đây huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã tổ chức nhiều cuộc thi dệt thổ cẩm, qua đó nâng cao tay nghề, giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, xây dựng hình ảnh đẹp về vùng đất và người nơi đây với du khách. |
Ngoài kinh nghiệm của các bà, các mẹ chỉ bảo tại nhà, các bạn trẻ còn được theo học tại các lớp học, hướng dẫn các em thực hiện thành thạo nghề dệt, rèn kỹ năng thêu và cho ra các sản phẩm thổ cẩm đẹp, chất lượng tốt. |
Những sản phẩm thổ cẩm thủ công của các dân tộc huyện Lâm Bình luôn là món quà thú vị với du khách gần xa khi đến với vùng đất này. |
Việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở huyện Lâm Bình không chỉ giữ gìn những giá trị văn hóa cổ truyền mà còn có ý nghĩa tích cực để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá, tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho đồng bào nơi đây. |
Theo: dangcongsan.vn