Nghệ nhân người Chu Ru gần 40 năm giữ nghề truyền thống

Một người đàn ông dân tộc Chu Ru ở thôn Ma Đanh (xã Tu Tra, huyện Đơn dương, Lâm Đồng), đã có gần 40 năm gắn bó với nghề đục nhẫn bạc thủ công, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Nghệ nhân Ya Tuất (bên phải), người chế tác nhẫn bạc truyền thống của người Chu Ru tại Lâm Đồng

Người Chu Ru có dân số hơn 20.000 người, phân bố rải rác ở các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận. Trong đó, Lâm Đồng chiếm trên 96%. Đây là một dân tộc có nhiều nét riêng biệt về phong tục tập quán, trong đó có nghề đúc nhẫn bạc. Những chiếc nhẫn trống – mái chính là biểu trưng cho mối quan hệ vợ chồng của người Chu Ru. Tuy nhiên, hiện những giá trị mang tính biểu trưng ấy đang có nguy cơ dần mai một theo thời gian. May mắn thay vẫn còn một người ngày đêm đỏ bếp nấu bạc đúc nhẫn để gìn giữ cho nghề truyền thống của dân tộc mình không bị mất đi. Nhân vật mà chúng tôi muốn nhắc đến đó chính là nghệ nhân Ya Tuất, người đã gắn bó nhiều năm với nghề đúc nhẫn bạc.

Gia hệ 6 đời gắn bó với nghề đúc nhẫn bạc

Đến thăm gia đình nghệ nhân Ya Tuất khi anh đang cặm cụi sửa lại chiếc máy công nông đã cũ kĩ của gia đình mình để để phục vụ cho việc đồng áng.

Chúng tôi theo anh ra cánh đồng cách nhà tầm vài trăm mét để lấy lá dứa dại về làm phiễu đổ nhẫn vừa nghe anh kể lại câu chuyện về cái duyên gắn bó với nghề đúc nhẫn bạc: “Nghề đúc nhẫn bạc của gia đình tôi đã có từ rất lâu rồi, đến đời tôi đã là đời thứ 6. Khi mới 15 tuổi tôi đã theo ông cậu học nghề, tính đến nay cũng đã có 37 năm gắn bó rồi. Ngày đó, do khoảng cách từ nhà tôi qua nhà cậu rất xa nên mỗi ngày tôi phải đi lại hơn 40km trong suốt 4 năm trời ròng rã thì mới học thành công. Đó còn chưa kể đến việc học nghề này rất khó, nó yêu cầu người học phải có tính cần cù, chăm chỉ và đặc biệt là phải có “hoa tay” thì mới làm được”.

Quá trình tạo kích cỡ nhẫn bằng sáp ong

Được biết, nghề đúc nhẫn là một nghề trước nay chỉ truyền lại cho người trong nhà, tuyệt đối không truyền ra ngoài. Tuy nhiên, hiện nay ngoài việc truyền dạy lại cho người con trai của mình, nghệ nhân Ya Tuất cũng tận tình hướng dẫn lại kỹ thuật đúc nhẫn cho những thanh niên trong cộng đồng có đam mê với nghề này.

 “Vào khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau chính là thời điểm có nhiều trai gái trong làng lấy nhau nhất cho nên lúc sẽ có nhiều người đến đặt tôi làm nhẫn. Trung bình mỗi tháng tôi sẽ làm khoảng 150 cái nhẫn, có tháng người ta đặt nhiều lên đến 200 cái. Thường thì mỗi đám cưới trong làng người ta sẽ đặt từ 10 đến 20 cặp nhẫn, có đám đặt đến 50 cặp, tùy vào sự giàu có của các bên mà họ sẽ đặt ít hay nhiều”.

Nghệ nhân Ya Tuất cho biết, nhẫn bạc trong tiếng Chu Ru có tên là Srí. Nhẫn của người con trai đeo gọi là Srí L’cay (nhẫn trống), còn người con gái là Srí K’may (nhẫn mái). Dựa vào hoa văn trên những chiếc Srí, người ta phân chúng thành 12 loại khác nhau như: Srí mơ ta h’lat, Srí Chăr, Kra lơ kay… Mỗi loại Srí mang biểu tượng và ý nghĩa khác nhau trong quan hệ cộng đồng, tình cảm nam nữ và tín ngưỡng tâm linh.

Tốn thời gian, công sức

Nhúng khuôn nhẫn vào hỗn hợp phân trâu

Để tạo ra được một cặp nhẫn, theo nghệ nhân Ya Tuất phải trải qua rất nhiều công đoạn hết sức công phu, tốn thời gian và công sức. Ở đó nó đòi hỏi người chế tác phải thật cẩn thận, tỉ mẫn và thuần thục trong suốt quá trình chuẩn bị nguyên vật liệu đến đúc nhẫn. Chính vì thế không phải ai cũng có thể làm được.

Nguyên liệu đầu tiên chính là sáp ong được lấy trong rừng sâu về nung chảy rồi dùng những khúc gỗ tròn như đầu ngón tay đã được gọt nhẵn nhúng vào đó để tạo tích cỡ nhẫn. Tùy theo kích thước ngón tay mỗi người mà sẽ tạo ra những kích cỡ nhẫn khác nhau. Kế đến là lá dứa dại đã già để làm phễu đổ bạc. Đặc biệt, một loại hỗn hợp gồm: nước, đất sét và phân trâu cái 3 tuổi chưa động đực. Tất cả những nguyên liệu trên được hòa trộn chung với nhau thành một thứ nước không lỏng cũng không đặc quá. Sau đó, gắn những kích cỡ nhẫn bằng sáp ong vào phễu rồi nhúng chúng vào trong thứ nước hỗn hợp vừa tạo ra đem đi phơi từ 1 đến 2 ngày cho khô rồi mang đi đốt trên lửa than để sáp ong bên trong chảy ra thấm vào thứ hỗn hợp đã khô bên ngoài tạo nên độ bóng và hình khuôn nhẫn âm.

Nguyên liệu cuối cùng là bạc nén nguyên chất có độ tinh khiết cao. Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc nấu bạc thì cần thiết phải có gỗ của cây Kasiu trong rừng, bởi khi cháy than của cây này sẽ tỏa ra nhiệt lượng lớn làm bạc nhanh tan chảy.

Khó khăn hơn cả là quy trình đổ bạc vào khuôn. Theo nghệ nhân, khi đổ động tác phải thật nhanh và khéo nếu không nhẫn sẽ dễ bị nứt vỡ hoặc cong, như thế công sức sẽ bỏ đi. Sau khi bạc đã được đổ vào khuôn được khoảng 1 phút thì đem đi nhúng vào nước lạnh để làm tan rã những chiếc khuôn bằng đất sét và phân trâu. Sau đó mang đi ngâm vào nồi nước bồ kết đun sôi để những chiếc nhẫn sáng hơn.

Khuôn âm được hình thành

Nghệ nhân Ya Tuất tiết lộ, công việc nấu bạc đổ khuôn phải được thực hiện vào lúc 2, 3 giờ sáng bởi đó là khoảng thời gian yên tĩnh nhất để người đúc nhẫn không bị chi phối bởi những tiếng động ngày thường, đồng thời dành toàn tâm toàn ý cho công việc chế tác. Ngoài ra, trong suốt thời gian tạo ra những chiếc nhẫn thì tuyệt đối người chế tác không được phép gần vợ. Thấy chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên anh liền cười và giải thích: “Sở dĩ có nguyên tắc ấy là vì quan niệm trong trắng của người Chu ru nên cặp nhẫn cưới phải thể hiện được sự thuần khiết của nó cho đến khi cặp nhẫn được các cặp uyên ương trao cho nhau trong ngày trọng đại của cuộc đời”.

Sau khi nhẫn làm xong, được đánh bóng cẩn thận, đính hạt Kơnia vào mặt trên nhẫn dành cho đàn ông, còn nhẫn dành cho phụ nữ chỉ có hoa văn. Những chiếc nhẫn bạc của nghệ nhân Ya Tuất làm ra không tinh xảo như những chiếc nhẫn chúng ta thường thấy ở các cửa hàng vàng bạc tuy nhiên những giá trị văn hóa và phần hồn của nó thì không thể so sánh được.

Những chiếc nhẫn “trống” – “mái” ra đời

Ngày nay, trong guồng quay của xu thế hội nhập và giao thoa mạnh mẽ giữa các cộng đồng dân tộc trong nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng, dẫn đến nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa của một số dân tộc thiểu số bị mai một hoặc lược bỏ đi. Tuy nhiên, phong tục trao nhẫn bạc cho các cặp nam nữ trong ngày cưới của người Chu Ru vẫn là nghi thức quan trọng và hiện hữu trong từng lễ cưới xin. Khi được chúng tôi hỏi trong tương lai có tiếp túc gắn bó với nghề này không, anh chân chất trả lời: “Khi nào trai gái người Chu Ru không còn lấy nhau và không còn đặt nhẫn của tôi nữa thì lúc đó tôi mới không làm nhẫn”.

                                       Theo; baovanhoa.vn

Trang phục được vẽ bằng sáp ong độc đáo
Nghề khảm sành sứ – Nghệ thuật từ mảnh vỡ ghi dấu ấn trường tồn lên những công trình trăm tuổi đặc trưng xứ Huế

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đóng Giỏ hàng của tôi
Đóng Danh sách yêu thích
Recently Viewed Close
Đóng

Đóng
dẫn đường
Thể loại