Nghề đan lát thủ công vốn là nét đẹp truyền thống bao đời nay của đồng bào dân tộc Tày miền núi Thần Sa, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Từ nguyên liệu vô cùng đơn giản, mộc mạc là những nan tre được chẻ nhỏ đan thành những vật dụng quen thuộc hàng ngày trong cuộc sống sinh hoạt như thạ, dậu, điêng…
Nghề đan lát truyền thống của người dân tộc Tày
Người dân tộc Tày ở xã Thần Sa, huyện Võ Nhai từ lâu đã lĩnh hội nhiều nghề truyền thống được cha ông truyền lại. Một trong số đó phải kể đến nghề đan lát gắn với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây. Cứ mỗi khi vào vụ mùa thu hoạch ngô, lạc, lúa, người dân miền núi Thần Sa lại lên rừng chặt tre về chẻ lạt đan thạ, đan dậu làm thứ thu hoạch vụ mùa.
Bà Hoàng Thị Duyên xóm Ngọc Sơn 1, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai vào rừng chặt tre
Khi trời còn chưa sáng hẳn, bà Hoàng Thị Duyên xóm Ngọc Sơn 1, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đã lên rừng chặt tre về để đan thạ, đan dậu chuẩn bị thu hoạch lúa, ngô. Bà Duyên cho biết: “Cây tre phải chọn những cây thẳng, ống dài và được khoảng 1 tuổi thì khi đan sẽ dễ hơn và bền lâu hơn. Cây tre được 1 tuổi thì đan vừa dễ vừa dẻo, nếu tre già quá sẽ giòn đan dễ bị gãy, còn tre non quá thì lại nhanh héo”. Ngoài cây tre ra thì cây mỡ, cây mai cũng được người dân sử dụng để đan lát.
Thạ được bà con sử dụng làm vật dụng thu hoạch nông sản
Tre được chẻ thành nhiều nan nhỏ, khi đan phải thật khéo léo
Để hoàn thành một chiếc thạ phải trải qua nhiều công đoạn. Tre chặt về được chẻ thành những nan nhỏ, khi đan để song đôi 4 chiếc lạt dọc và 4 chiếc lạt ngang. Ở giữa để rỗng 1 lỗ rồi xỏ cây cứng vào đáy thạ cho chắc chắn sau đó đan tiếp từng chiếc lạt vào, đan đến khi thành đáy thì bắt đầu lên góc, đan lên dần thành hình cái thạ. Khi thấy áng chừng thả đủ độ rộng thì vén miệng lại và làm quai. Quai được làm từ dây mây, xoắn vào thành quai làm sao cho đòn gánh xỏ qua được để gánh ngô, lạc.
Bà Lý Thị Tân xóm Ngọc Sơn 1, xã Thần Sa chia sẻ
Theo bà Lý Thị Tân xóm Ngọc Sơn 1, xã Thần Sa chia sẻ: “Trong quá trình làm thì chẻ lạt khó nhất vì chẻ không đều tay lúc đan chỗ mềm, chỗ cứng sẽ không được đẹp. Khi đan phải chắc tay, khéo léo và phải tập trung thì mới ra được sản phẩm đẹp”. Cây tre ngoài đan dậu, thạ còn đan được nhiều vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây như rổ, rá, điêng, phên, nia…
Bà Tân chia sẻ kinh nghiệm cho con cháu
Khi vào đầu vụ mùa những người có kinh nghiệm lâu năm sẽ tập trung lại cùng con cháu đan lát để vừa ôn lại và vừa truyền kinh nghiệm dân dã mà truyền thống cho con cháu. Bà Tân chia sẻ thêm: “Tôi biết đan từ 18 tuổi đến nay đã 63 tuổi, năm nào tôi cũng đan, một ngày đan được khoảng một đôi thạ to vừa chẻ lạt, vừa đan làm quai. Tôi hi vọng sẽ truyền lại được nghề đan truyền thống này cho con cháu, không thì sau này già rồi chết đi sẽ không có ai biết đan nữa”. Giá của một đôi thạ làm quai xong là khoảng 200.000 nghìn đồng, những sản phẩm khác thì có giá khác nhau.
Chị Lê Thị Lịch chăm chú đan thạ
Tuy nhiên lớp trẻ ở đây không mấy người là biết đan lát. Chị Lê Thị Lịch con gái bà Duyên nói: “Tôi biết đan từ năm 13 tuổi, do thích thú nên khi thấy bà và mẹ đan thì tôi học theo và dần dần biết đan. Được dùng những sản phẩm mà mình làm ra tôi thấy rất vui vì đó vừa là bản sắc văn hóa vừa bảo vệ được môi trường. Tôi hi vọng rằng lớp trẻ sẽ tiếp nối được nghề truyền thống của cha ông để lại để phát triển hơn nữa nghề đan lát, quảng bá được cho nhiều người biết đến”.
Chị Lịch sử dụng thạ được đan từ tre để thu hoạch ngô
Sản phẩm được đan từ tre sau khi hoàn thiện
Nghề đan lát truyền thống tuy không phải là nghề đem lại thu nhập cao. Thế nhưng đây lại là một nghề có giá trị văn hóa, giúp lưu giữ nét đẹp truyền thống, nhất là khi công nghệ hiện đại khiến đồ nhựa phát triển. Nghề đan lát thủ công vì vậy càng cần được đầu tư, bảo tồn, tránh nguy cơ bị mai một.
Theo: baophapluat.vn