Đến làng Tà Vót thuộc thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng), âm thanh cồng chiêng vang vọng như lời mời gọi, dẫn lối để chúng tôi đến thăm những gia đình có nhiều thế hệ giữ gìn và bảo tồn văn hóa cồng chiêng.
Giữ hồn dân tộc
Sinh ra và lớn lên ở vùng cao, từ nhỏ ông Hồ Văn Nam đã được nghe cha mình là già làng Hồ Văn Ba kể câu chuyện văn hóa của dân tộc Cor, đặc biệt là cồng chiêng. Tuổi thơ ông Nam được chứng kiến cha tham gia biểu diễn cồng chiêng vào dịp lễ mừng lúa mới, đám cưới, ăn trâu… Dần dà, ông Nam mê mẩn âm thanh ngân vang của tiếng cồng, tiếng chiêng…
Ông Hồ Văn Nam giữ gìn bộ chiêng như là tài sản quý của gia đình. Ảnh: Như Đồng |
Nhiều năm qua, ông Nam tích cực vận động con cháu trong dòng họ và người dân ở địa phương lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Theo ông Nam, giữ cồng chiêng là giữ hồn của dân tộc Cor, chiêng là tài sản quý của cha ông để lại. Mỗi bài chiêng khi đánh lên đều có thông điệp riêng, như bài chiêng đánh trong lễ hội mừng lúa mới, cưới hỏi… sẽ có nhịp điệu nhanh, thể hiện sự hào hứng của người dân. Để cồng chiêng hòa âm vào nhau thì đòi hỏi người chơi phải tập trung trong lúc diễn tấu, lắng nghe để vào đúng nhịp điệu, cồng chiêng có những cung bậc cảm xúc khác nhau, lúc trầm, lúc bổng. “Cồng chiêng rất có hồn, muốn điều khiển được phải hiểu nó, coi nó như là người bạn và có như thế hồn mình, hồn chiêng mới hòa vào nhau, tạo nên những âm thanh da diết”, ông Nam chia sẻ.
Gia đình ông Nam hiện có 10 bộ chiêng, được gìn giữ qua nhiều đời. Hai người con trai của ông Nam cũng được ông Nam truyền dạy cách đánh cồng chiêng. Ông Nam bảo rằng, cồng chiêng là tài sản ông cha truyền lại nhiều đời, mình có trách nhiệm giữ gìn để còn truyền lại cho con cháu. Ngày trước, cùng với lúa, trâu, cồng chiêng cũng là loại tài sản mà các gia đình thể hiện sự giàu có, nhà nào nhiều chiêng nghĩa là nhà đó khấm khá. Nếu không có cồng chiêng, những lễ hội là nơi gắn kết cộng đồng cũng sẽ không còn ý nghĩa, đời sống tinh thần, tâm linh cũng sẽ bị mai một.
Bảo tồn và phát huy nghệ thuật cồng chiêng
Cùng với việc gìn giữ cồng chiêng, ông Hồ Văn Nam cũng như nhiều người dân ở làng Tà Vót còn bảo ban nhau học tập, truyền dạy lại cho lớp trẻ cách đánh cồng chiêng, nhất là những bài chiêng dùng trong các lễ hội của dân tộc Cor. Toàn xã Trà Thủy hiện có trên 180 bộ chiêng, riêng làng Tà Vót có gần 100 bộ chiêng. Theo nghệ nhân ưu tú Hồ Ngọc An, cồng chiêng là biểu tượng cho sự linh thiêng, cao quý, gắn bó mật thiết với đời sống nghi lễ và sinh hoạt hằng ngày của người dân trong làng. Tiếng cồng chiêng như ngôn ngữ để dân làng bày tỏ tình cảm với thần linh, đất trời về ước nguyện một cuộc sống ấm no, sung túc. “Có dịp đến đây vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ, mọi người sẽ thấy hình ảnh thế hệ trẻ say sưa học đánh cồng chiêng; người già thì nhiệt tình truyền dạy. Lớp người trước dạy lớp người sau, cứ thế từ bao đời nay, người dân nơi đây giữ gìn văn hoá cồng chiêng rất tốt”, ông Hồ Ngọc An phấn khởi nói.
Xã Trà Thủy đã thành lập Đội cồng chiêng, thường xuyên tham gia diễn tấu cồng chiêng trong các sự kiện văn hóa ở địa phương cũng như đi biểu diễn ở trong và ngoài tỉnh. Qua đó, động viên, cổ vũ lớp trẻ giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật cồng chiêng.
Theo; baoquangngai.vn