Độc đáo tục làm giấy bản linh thiêng đón năm mới của người dân tộc Mông Mường Lát

Bao đời nay, giấy bản đã trở thành vật liêng thiêng không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân tộc Mông huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa). 

Bà Thao Thị Cho, bản Cá Nọi, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát đang rải bột giấy lên khuôn.

Loại giấy này được dùng để thờ cúng và các nghi lễ quan trọng trong năm của mỗi gia đình. Vì vậy, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người dân nơi đây lại gác lại việc đồng áng để vào rừng lấy nguyên liệu về làm giấy bản truyền trống đón năm mới.

Đến Mường Lát vào dịp giáp Tết Nguyên đán, không khó để bắt gặp hình ảnh những khung vải làm giấy bản được người dân phơi bên các hiên nhà. Theo phong tục của người dân tộc Mông, giấy bản chủ yếu do phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm. Nguyên liệu chính để làm giấy bản là các loại cây họ tre, luồng được lấy từ trong rừng. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, những người phụ nữ dân tộc Mông lại thức khuya dậy sớm để vào rừng lấy nguyên liệu về làm giấy.

Giấy bản của người dân tộc Mông Mường Lát được làm thủ công với nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Bà Thao Thị Cho, bản Cá Nọi, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, cho biết: Theo phong tục của người dân nơi đây, con gái về nhà chồng ngoài việc biết thêu, dệt, may vá còn phải biết làm giấy bản. Ngay từ khi lớn lên bà đã được mẹ dạy lại cách làm giấy truyền thống của đồng bào mình. Đến nay, bà Cho đã có 40 năm kinh nghiệm làm giấy bản nên giờ chỉ cần vào rừng, nhìn là biết nên chọn cây nứa, cây vầu nào đem về để làm ra giấy đẹp.

Nguyên liệu làm giấy được các bà, các mẹ, chị vào rừng chọn chặt những cây vầu, luồng còn non rồi bỏ mắt, chỉ lấy phần ống dài, kết hợp tìm các loại vỏ cây có nhiều nhớt để tạo chất kết dính. Việc chọn nguyên liệu rất quan trọng, bởi công việc này quyết định đến 80% chất lượng giấy. Cây giang, nứa, vầu phải chọn những cây không bị sâu, óng xanh và đẹp.

Theo bà Cho, làm giấy bản cũng rất vất vả và trải qua nhiều công đoạn. Sau khi đưa nguyên liệu về nhà, dùng dao tước bỏ phần vỏ màu xanh bên ngoài, chỉ lấy phần ruột trắng bên trong, chẻ thành từng thanh nhỏ như chiếc đũa rồi rửa sạch, sau đó cho vào nồi gang nấu cùng với loại vỏ cây tạo nhớt. Thường thì thời gian nấu khoảng 12 giờ, đến khi nào nguyên liệu trong nồi mềm nhừ. Tiếp đó, vớt nguyên liệu ra cho lên thớt gỗ đập nhuyễn. Việc đập nguyên liệu cũng rất quan trọng, vì nguyên liệu càng mềm, càng nhỏ, sẽ càng tạo ra độ mịn cho giấy thành phẩm. Sau khi được đập nhuyễn, các nguyên liệu trên sẽ được ngâm trong nước, rồi lọc đi lọc lại, bỏ phần bã để cho ra phần nước cốt mịn nhất. Phần nước cốt này sẽ được tưới lên khuôn làm bằng vải để phơi ngoài trời nắng. Chỉ cần nắng to 1-2 ngày là bà con đã có giấy để dùng trong ngày Tết và 1 năm tiếp theo đó.

Sau khi phơi khô, giấy bản được cất giữ cẩn thận để dùng thay bàn thờ đón năm mới và các nghi lễ quan trọng trong cả năm

Cũng có kinh nghiệm làm giấy hơn 20 năm nay, chị Thao Thị Chung, bản Cá Nọi, xã Pù Nhi, chia sẻ: Khi nấu nguyên liệu phải luôn canh chừng không được để cạn nước, cháy xém. Công đoạn lọc lấy hỗn hợp làm giấy cũng phải tỉ mỉ, nếu lọc sơ sài chất lượng giấy không mịn, nhưng nếu lọc kỹ quá thì độ kết dính sẽ giảm cũng làm ảnh hưởng đến giấy. Khi đem phơi phải chọn phơi đúng ngày nắng to thì giấy mới trắng, mịn và đẹp. Mỗi tấm giấy bản được làm ra sẽ có kích thước 1,2 m x 1,5 m.

Thông thường, bắt đầu từ tháng 11 âm lịch hàng năm, những người phụ nữ trong bản lại gác lại các công việc khác để làm giấy bản cho gia đình sử dụng cả năm. Việc làm và sử dụng giấy bản là một nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Mông huyện Mường Lát. Đây là một vật không thể thiếu trong hoạt động tâm linh, nhất là thời điểm đầu xuân năm mới. Theo phong tục, tập quán, vào ngày 30 Tết, người dân nơi đây sẽ thực hiện một nghi lễ thiêng liêng nhất trong năm, đó là làm lễ cúng và thay bàn thờ gia tiên. Loại giấy này sẽ được dùng để làm bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình người Mông trong năm mới. Quan niệm thay giấy bàn thờ gia tiên mỗi khi năm hết Tết đến là nghi lễ thể hiện lòng kính trọng, nhớ về tổ tiên của đồng bào dân tộc Mông Mường Lát. Ngoài ra, giấy bản còn được dùng trong các nghi lễ cúng tế quan trọng trong năm của mỗi gia đình hoặc sử dụng trong đám ma…

Nói về phong tục làm giấy bản của người dân nơi đây, ông Hơ Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, cũng cho biết: “Phong tục tự làm giấy của đồng bào dân tộc Mông ở đây đã có từ lâu đời. Cứ thế hệ này truyền cho thế hệ sau nên hầu hết phụ nữ đều biết làm giấy bản. Giấy bản là vật linh thiêng không thể thiếu trong đời sống văn hóa cũng như các hoạt động tâm linh của người dân nơi đây. Đây cũng là một nét văn hóa độc đáo cần bảo tồn và phát triển. Hiện nay, do kinh phí hạn hẹp, nên cũng chưa có đề án bảo tồn cụ thể. Tuy nhiên, để giữ gìn truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Mông, chính quyền địa phương cũng tuyên truyền và khuyến khích người dân cần lưu giữ và phát triển phong tục này.

                                         Theo: baothanhhoa.vn

Gốm Bát Tràng – Nét mới hồn xưa
Nghề dệt chiếu ở Cần Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đóng Giỏ hàng của tôi
Đóng Danh sách yêu thích
Recently Viewed Close
Đóng

Đóng
dẫn đường
Thể loại