Có mặt từ hàng trăm năm nay, thổ cẩm ở Quỳ Châu là món quà quý giá chắt lọc từ thiên nhiên và bàn tay khéo léo của con người…

 Có mặt từ hàng trăm năm nay, thổ cẩm ở Quỳ Châu là món quà quý giá chắt lọc từ thiên nhiên và bàn tay khéo léo của con người. Nay ngoài khôi phục và phát triển thổ cẩm, chị em ở đây còn phát triển dịch vụ du lịch và sản xuất được thổ cẩm từ những sợi chuối, dứa độc đáo.

Vùng đất sơn thủy hữu tình
 
Nằm bên bờ sông Hiếu Quỳ Châu mùa này xanh ngát bởi lúa xuân và trù phú núi rừng. Tháng Ba hoa xuân đua nở trên khắp triền núi và khe, suối và khắp các con đường quanh co về với các bản Thái cổ. Hồng cổ, thược dược hợp đất bung nở, trạng nguyên đỏ thắm…
Con đường vào những bản làng với những cọn nước bên suối đưa nước về đồng là một hình ảnh ấn tượng nhất níu chân du khách. Hơn cả một công trình đây là món quà của núi, của rừng gửi tới các cánh đồng cho những mùa vàng ấm no. Đã bắt đầu vui hơn khi thỉnh thoảng có những đoàn khách tới tìm hiểu về văn hóa, về du lịch cộng đồng…

Trải nghiệm của khách Tây tại bản Hoa Tiến (Quỳ Châu). Ảnh: Nguồn Facebook Sầm Thị Tình

Hơn 2 năm dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, bản du lịch cộng đồng vốn đã đạt 4 sao OCOP ở đây đứng trước nguy cơ mai một, nay đang được phục hồi. Những nếp nhà sàn, nhà homestay bắt đầu được bài trí lại, các sản phẩm thổ cẩm, hiện vật được trưng bày, ngoài cổng những vườn hoa, cây cảnh… được trồng thêm. Tất cả như những lời cầu mong cho một mùa du lịch và sản xuất mưa thuận gió hòa…


Khách du lịch tìm hiểu hoa văn thổ cẩm Quỳ Châu. Ảnh: T.P
Con đường bản rợp bóng cây đưa chúng tôi về với  bản du lịch cộng đồng Hoa Tiến (Quỳ Châu) . Nơi đây, năm 2019 là năm đầu tiên Nghệ An thực hiện Chương trình OCOP và bản làng đã vinh dự đạt danh hiệu 4 sao OCOP.
Đó là một vinh hạnh lớn bởi Châu Tiến là bản vùng sâu, vùng xa và hơn hết sản phẩm du lịch cộng đồng là sản phẩm OCOP còn mới mẻ ở Việt Nam. Sản phẩm dệt thổ cẩm Quỳ Châu và du lịch cộng đồng ở đây cộng hưởng với nhau tạo thành nét văn hóa đặc sắc của xứ Nghệ.
Những sản phẩm thổ cẩm ở đây, nhất là những chiếc khăn tơ tằm với hoa văn độc lạ đã vươn ra nhiều thị trường, được nhiều bạn bè biết đến. 
Giám đốc HTX thổ cẩm Hoa Tiến – chị Sầm Thị Bích cho biết: Nghề dệt thổ cẩm vốn để làm nên quần áo, chăn nệm phục vụ đời sống dần dần có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của bà con. Có những sản phẩm thổ cẩm cả trăm năm vẫn còn lưu giữ mà không bị hỏng. Của hồi môn của con gái đi lấy chồng cũng đều là đồ thổ cẩm. Những món đồ ấy được trân quý  hơn bởi được chắt lọc từ thiên nhiên và nâng niu từ bàn tay tài hoa của nghệ nhân, của các bà, các mẹ, các chị em, là gửi gắm bao ân nghĩa và tình cảm, sáng tạo và trách nhiệm.
Nói về cách tạo màu, chị Bích cho biết: Màu tím được các chị nhuộm từ lá nếp cẩm hông xôi, lá bàng làm nên màu xanh cỏ úa, lá cà phê ra được mầu nâu đồng… Rồi từ 5 màu cơ bản các chị, các mẹ còn tạo ra những màu sắc đa dạng, hài hòa mang đậm bản sắc xứ sở và đặc biệt còn hài hòa với xu hướng thời trang thế giới. Hơn thế, đồ thổ cẩm an toàn cho sức khỏe và môi trường nên được khách du lịch quốc tế ưa chuộng. Chị Bích cho hay, nói thì đơn giản thế nhưng đây là cả một quá trình chế biến, đúc rút kinh nghiệm, mức độ pha chế, để lửa…

Sản phẩm khăn tơ tằm của Quỳ Châu. Ảnh: Trân Châu

Để hội nhập với thị trường, đưa văn hóa ra với bè bạn, HTX thổ cẩm Hoa Tiến đã tích cực quảng bá trên các kênh thương mại điện tử bằng các trang Facebook, Zalo, hay mở hệ thống cửa hàng ở Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn cần được hỗ trợ nhiều hơn từ phía địa phương và ngành chức năng. Ví như hiện nay HTX rất cần được hỗ trợ một gian hàng để giới thiệu sản phẩm của địa phương để du khách tới đây có điều kiện tìm hiểu trải nghiệm, chụp ảnh với các sản phẩm thổ cẩm… vì các hoạt động này hiện nay đang tổ chức ngay tại các gia đình, gây nhiều bất tiện.

Sợi chuối, sợi dứa làm nên thổ cẩm
 

Chị em ở bản Hoa Tiến (Quỳ Châu) tách và nối sợi chuối trước khi dệt vải. Ảnh: Trân Châu
Ngoài câu chuyện từ lâu là dệt sợi dứa Quỳnh Lưu thành thổ cẩm, nay với cây chuối thân thuộc của người Việt, chị em huyện Quỳ Châu lần nữa thành công khi gia công sản xuất sợi chuối thành thổ cẩm. Sợi chuối sau khi dập từ thân chuối, phơi khô thành nhưng bản sợi lớn, to nhỏ không đều, được đưa về bản.

Hình ảnh sợi chuối được dệt thành vải ở Quỳ Châu. Ảnh: Trân Châu
Từ đây chị em nguồi tỉ mẩn gỡ từng sợi, tách chúng thành sợi bé xíu rồi gút lại cho dài ra thành sợi, rồi cuộn thành cuộn để bắt đầu dệt. Công đoạn tạo sợi cũng gian nan không kém khâu dệt. Những bẹ sợi chuối dưới sự tỉ mỉ của các chị cuối cùng cũng thành sợi để dệt thành những tấm vải lớn màu sáng tự nhiên. Từ đây, vải sợi chuối được nhập cho các đối tác khác tiêu thụ hoặc sản xuất ra các sản phẩm tinh tế chất lượng cao hơn. 

Từ sợi chuối thô sơ qua nhiều công đoạn, phụ nữ Thái ở Quỳ Châu đã dệt thành vải. Ảnh: Trân Châu

Tìm hiểu được biết, từ thời xa xưa, ở Nhật và Nepal, sợi chuối đã được sử dụng phổ biến để làm miếng lót bàn, thảm trải sàn và mái che. Người Nhật từ thế kỷ XIII đã biết trồng chuối lấy sợi để dệt vải may quần áo và làm đồ gia dụng. Đến thế kỷ XIX, sợi chuối (sợi abaca) đã được sử dụng làm dây thừng trên các con tàu biển.

Hiện tại, Ấn Độ và Trung Quốc là những nước có diện tích trồng chuối lớn nhất thế giới. Thị trường sợi chuối đã hình thành và phát triển khoảng 15 – 20 năm nay và ngày càng sôi động…


Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An và lãnh đạo phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu ngạc nhiên trước những sản phẩm dệt từ sợi chuối ở Quỳ Châu. Ảnh: Trân Châu
Sợi chuối không những dẻo dai, thấm hút tốt, chống cháy, sợi chuối còn kháng nấm mốc, thoáng khí, rất nhẹ, cách âm, cách điện. Sợi chuối hiện đã có mặt trong hàng vạn sản phẩm, vật phẩm tiêu dùng như tiền giấy, giấy in, giấy gói, giấy túi lọc. Với sự khéo léo, các bà các chị ở Quỳ Châu đã dệt nên được hàng trăm mét sợi chuối để nhập cho các đối tác, tiền dệt mỗi mét 250.000 đồng. 

Ngoài sản phẩm thổ cẩm, hiện ở Hoa Tiến (Quỳ Châu) có 9 mô hình homestay hoạt động. Ở các nhà homestay, ngoài phục vụ ăn nghỉ, du khách còn được trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên, thưởng ngoạn phong cảnh Quỳ Châu với những cánh đồng lúa đặc sản, các cọn nước thủy lợi, trải nghiệm lại cuộc sống của dân bản cả về thực tế lẫn các hiện vật được trưng bày với trang sức, nhạc cụ, thổ cẩm…


Phong cảnh tự nhiên ở Quỳ Châu. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Trải nghiệm du lịch Quỳ Châu. Ảnh: Sầm Thị Tình

                                           Theo: baonghean.vn

Nghề dệt chiếu ở Cần Thơ
Thánh thót tiếng đàn Đào Xá

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đóng Giỏ hàng của tôi
Đóng Danh sách yêu thích
Recently Viewed Close
Đóng

Đóng
dẫn đường
Thể loại