Cà kheo Nam Định

Về thăm vùng biển Nghĩa Thắng, Nghĩa Hưng (Nam Định), mới biết ngư dân ở đây vẫn giữ thói quen đi cà kheo để đánh bắt cá. Hình thức đánh bắt tưởng chỉ còn vang bóng một thời này hiện được bảo tồn khá tốt ở Nam Định, vừa để phục vụ du lịch, vừa được biến tấu thành một hình thức biểu diễn độc đáo.

Vẫn có người đi cà kheo trên biển

Trước khi về đến Nghĩa Thắng, chúng tôi được giới thiệu: ở đây có làng Quần Vinh nổi tiếng với nghề đi cà kheo (dân trong nghề gọi là đi kheo) để cào ngao và đánh bắt tôm, moi, cá nhỏ. Anh Nguyễn Văn Tung, người gắn bó với nghề đi kheo từ nhỏ cho biết: “Nghề đi kheo ở Nam Định có từ đời ông cha ông tôi. Trước đây, các phương tiện khai thác, đánh bắt thủy sản còn thô sơ, đơn giản nên việc ra khơi đánh cá thường khó khăn. Nhà nào cũng nghèo nên không đủ điều kiện đóng được tàu thuyền. Chưa kể, huyện Nghĩa Hưng nằm ngay vùng cửa sông đổ ra biển, mực nước không đủ sâu để tàu hoạt động, nên những đôi cà kheo là công cụ ra khơi linh hoạt hơn cả. Với đôi chân được nối dài, người Quần Vinh có thể bắt được tôm cá ở cả những nơi sâu 3-4m, hạn chế được việc phải ngâm mình trong nước mặn cả ngày, có thể dễ dàng đối phó với các bãi sình và đáy biển nhiều bất trắc… Ngày nay, có tàu, thuyền hiện đại, cà kheo tuy không còn được sử dụng phổ biến để đánh bắt thuỷ sản nữa nhưng ở một số nơi ngư dân vẫn tận dụng phương pháp này. Gần đây du lịch biển ở Nam Định phát triển, một số người đang đề nghị ngư dân dùng việc đi kheo bắt cá để thu hút du khách, như là một nét văn hóa đặc trưng”.

Cà kheo Nam Định ảnh 1

Ngư dân ở Nam Định đi cà kheo đánh bắt cá

Cũng theo lời kể của anh Tung, nghề đi kheo không chỉ có ở Quần Vinh, nó phổ biến ở hầu hết các huyện ven biển ở Nam Định. Đàn ông vùng biển biết đi kheo từ nhỏ, đàn bà, trẻ em ở đây cũng đi kheo rất thành thạo.

Hiện tại, tàu thuyền đánh cá quá nhiều, sự phổ biến của cà kheo cũng bị thu hẹp lại. Bản thân anh Tung cũng đã bỏ nghề mở nhà hàng bán hải sản. Tuy nhiên, ở Quần Vinh, nhiều ngư dân vẫn quen đi cà kheo ra khơi, do phương tiện này phù hợp với việc đánh bắt ở vùng biển nông, nhiều bãi cạn lại cơ động, gọn nhẹ và ít tốn kém hơn tàu, thuyền.

Ngày hôm sau, đến Hải Triều, Hải Hậu chúng tôi được giới thiệu với anh Nguyễn Văn Tâm, đội trưởng đội kheo xã Hải Triều. Anh Tâm cho biết, trước đây, thanh niên trong xã 100% biết đi kheo, lúc bé thì theo cha ông ra biển xúc tôm moi, lớn hơn thì ra xa hơn bắt cá nhỏ. Người học nhanh thì khoảng một tháng là biết đi. Những người đi giỏi có thể điều khiển cây kheo dài 3-4m, nhưng trung bình một cây kheo sẽ cao khoảng 1,5-2,5m. Mức kheo cao nhất là 4,8m đã được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam (tháng 7- 2005). Thân cà kheo làm bằng tre đực lâu năm, thẳng, đặc, và chịu lực tốt. Sau một thời gian ngâm dưới bùn ao và được xông bồ hóng trên gác bếp để khử hết mối mọt, chỉ còn phần xương cốt tre cứng mà dẻo dai mới được mang ra làm cà kheo. Trên thân kheo có một bàn đạp để đặt chân. Người đi kheo phải dùng một cái vòng gọi là nén kheo bằng loại cước tốt có độ co giãn để cố định đầu gối với thân kheo phòng bị sóng đánh bật.

Cà kheo Nam Định ảnh 2

Biểu diễn cà kheo trong lễ hội

Với anh Tâm, cả trước đây và hiện tại, đi kheo đều là một nghề để kiếm sống: trước đây đi kheo ra biển chủ yếu để phục vụ bữa ăn hàng ngày, ngày nào thu hoạch nhiều thì mang ra chợ bán. Khi nghề đi kheo được đưa lên bờ, anh Tâm cũng trở thành một diễn viên chuyên nghiệp, đi diễn đều có cát xê.

Nghề đi kheo trên cạn

Quần Vinh cũng là một trong những nơi đầu tiên ở Nam Định phát triển nghề đi kheo trên cạn. Anh Tung cho biết: người khởi xướng việc đi kheo trên cạn ở Quần Vinh là cụ Nguyễn Văn Luận. Khoảng những năm 60, khi xã Nghĩa Thắng mở hội làng, cụ Luận và các cụ cao niên ở Quần Vinh đã vận động hơn 10 thanh niên đi trên những cây cà kheo cao 3m, tham gia đoàn diễu hành và được đông đảo nhân dân cổ vũ. Từ đó, nghệ thuật biểu diễn cà kheo trở thành nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong các dịp lễ hội của cả vùng.

Kể từ đó, đội cà kheo xã Nghĩa Thắng được nhiều người biết đến, thậm chí những nghệ nhân đi kheo còn được mời đi biểu diễn ở các nơi, đơn cử như: Lễ kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – Gia Định, Lễ hội dân gian Sài Gòn, Festival Huế, Tuần lễ Văn hoá – Du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh), Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 22 tại Sân vận động Thiên Trường (Nam Định) và nhiều lần tham gia Hội chợ Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) được nhận nhiều Bằng khen của các tỉnh, thành phố, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch…

Cà kheo Nam Định ảnh 3
Cà kheo Nam Định ảnh 4

Anh Nguyễn Văn Tung biểu diễn cà kheo “đãi” khách

Nghệ thuật đi kheo trên cạn ở xã Hải Triều, Hải Hậu xuất hiện muộn hơn Quần Vinh khoảng 10 năm. Anh Nguyễn Văn Tâm chia sẻ: Đi kheo trên cạn khó hơn đi dưới nước vì độ cứng của mặt đất và khi ngã thường nguy hiểm hơn. Nếu ngã dưới biển cùng lắm là uống vài ngụm nước, còn ngã trên đất bằng từ độ cao 2-3m thì nguy hiểm hơn nhiều. Thế nhưng, hầu hết những tay chơi cà kheo đều không có thiết bị bảo hộ khi tập, cho nên đã có người ngã bị chấn thương nặng, còn sứt sẹo, u đầu mẻ trán là thường. Một người chỉ được coi là biểu diễn cà kheo thành thạo và có “nghệ thuật” khi có thể ở trên đôi chân lênh khênh đó bước đi, nhảy, đổi chân, chuyển động cơ thể nhịp nhàng, linh hoạt, biến hoá tài tình.

Các tiết mục biểu diễn của các đội cà kheo ngoài tái hiện lại cuộc sống lao động của ngư dân với những phương thức đánh bắt thuỷ sản như: cất te, đi xẻo, quăng chài thì các trò diễn như: múa sư tử, múa gậy, múa quạt hay hoá thân vào các nhân vật cổ tích đều liên quan đến các sự kiện lịch sử mang tín ngưỡng phồn thực, cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mỗi đội kheo đều có những tích trò riêng, tiêu biểu như đội kheo các xã Hải Triều, Hải Lý lấy trò múa lân, múa rồng làm điểm riêng biệt. Hay đội cà kheo Quần Vinh chỉ toàn là đàn ông nhưng một nửa số thành viên trong đó chuyên đóng các vai nữ nên hành trang của họ mang theo lại có cả khăn, yếm, nịt ngực, tóc giả… Những nét độc đáo, lạ mắt ấy tạo nên sự hấp dẫn của cà kheo Quần Vinh và chiếm được tình cảm yêu mến của công chúng gần xa…

Cũng theo anh Tâm, hiện nay đội cà kheo của xã Hải Triều duy trì khoảng 20 thành viên với trên 10 tiết mục, trò diễn độc đáo, hấp dẫn như: đánh đu, đá bóng, kéo co, đấu vật, múa sư tử, đấu kiếm, chơi nhạc cụ… Bản thân anh Tâm cũng nhiều lần tham gia những chuyến biểu diễn cà kheo cho các địa phương, như có lần anh đi biểu diễn tận TP.Hồ Chí Minh vào dịp 30/4. Bình thường, một số nơi muốn tổ chức hội hè, khai trương, chúc mừng cũng hay mời các đội kheo đến múa lân để mang theo không khí vui mừng, may mắn. Những lúc ấy đội kheo lại có việc làm, có thu nhập.

Dần dần, đi kheo trở thành một đặc sản lễ hội của các vùng biển Nam Định. Hàng năm, cứ vào dịp 2/9 là ngày hội văn hóa thể thao và du lịch của tỉnh, các đội kheo lại được dịp tụ hội, đua tài. Trên đôi chân dài, các nghệ sĩ biểu diễn các tích trò, các môn thể thao như: cầu lông, đánh đu, đá bóng, hát chèo, đấu kiếm, chơi xà đơn, xà kép, kéo co, đấu vật, múa sư tử… nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân và khách du lịch.

Một cán bộ của Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Nam Định cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 CLB, đội cà kheo ở các xã ven biển: Hải Triều, Hải Lý, Hải Đông, Hải Chính, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); Giao Phong, Giao Yến, Bình Hoà, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ); Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng). Những năm gần đây, nghệ thuật cà kheo luôn được cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương quan tâm khôi phục, phát triển, tạo nền tảng cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng quê”.

Hiện nay, ngoài đàn ông tham gia biểu diễn cà kheo, các đội kheo ở Nam Định, đặc biệt là huyện Hải Hậu còn có những gương mặt nữ và đều là người trẻ tuổi.

                                                 Theo: tienphong.vn

Danh thơm đất học Kim Hoàng
Bền bỉ giữ nghề truyền thống

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đóng Giỏ hàng của tôi
Đóng Danh sách yêu thích
Recently Viewed Close
Đóng

Đóng
dẫn đường
Thể loại